Trong số những nhạc sĩ được giải thưởng cuộc vận động sáng tác “hát về thành phố tôi yêu” do Hội Âm nhạc và sở VHTT thành phố tổ chức , có một nhạc sĩ trẻ ít được khan giả biết đền. Và nếu có biết, người ta cũng ít nghĩ đến việc anh sáng tác “Tình ca”. Đó là nhạc sĩ Vũ Đình Ân, một người lâu nay, hầu như gắn bó hòan tòan với lọai nhạc giao hưởng, hợp xướng. Tác phẩm được giải của anh cũng là một bản giao hưởng, thể lọai mà rất ít nhạc sĩ trẻ đi theo.
Tôi biết Vũ Đình Ân qua những buổi diễn hợp xướng của quân Tân Bình, anh vừa là người tổ chức dàn dựng, chỉ huy và sáng tác. Với Ân, hợp xướng gần như là máu thịt. Nó luôn lôi kéo, thôi thúc anh. Vì vậy, không có buổi biểu diễn nào, Ân vắng mặt.
Vậy mà…tôi khá bất ngờ khi cầm trên tay Album đầu tiên của anh. Đó là CD “Tình mãi còn hồng”, một Album tình ca khá mượt mà của Ân. Ở đó, tình yêu và đau khổ chạy xuyên suốt qua 10 ca khúc. Và sự nồng nàn cũng như đau khổ của Vũ Đình Ân đều “có vẻ” đầy kinh nghiệm tình trường. Đó là lời than thở của người con gái lỡ “trao duyên tình thơ” để rồi sau đó cứ “bao đêm mơ màng chờ đón vòng tay dịu dàng” (hương phấn chưa phai). Đó là khi “Duyên đã lỡ thề, tình ơi sao thấy buồn ghê. Tình đầu oan trái tháng năm qua có lần tàn phai. Chua xót ngậm ngùi, tình ơi đâu thấy được niềm vui…(Thương nhớ một người)”. Cũng có khi “về thăm xóm nhỏ gặp lại em để xoa nỗi nhớ thương” mà anh đã lỡ trao “từ dạo ấy”. Và cũng có khi “ta bên em nhưng vẫn thấy xa” và ta vẫn cứ đi “tìm một hạnh phúc mong manh (Tình mãi còn hồng)”. Tình yêu của Vũ Đình Ân là thế, yêu và được yêu, yêu rồi xa nhau, phụ nhau, lừa dối nhau, chờ mong nhau…
Với nhiều cấu trúc âm nhạc khác nhau, Vũ Đình Ân đã vẽ nên một thứ tình yêu muôn mặt, trong đó hạnh phúc và đau khổ luôn quyện lẫn nhau, chỉ có điều những lời lẽ trong ca khúc không mới mà như đi từ trong quá khứ xa xôi nào đó. Đặc biệt hơn, âm nhạc của Vũ Đình Ân nghe thỏang qua chúng ta dễ nhầm lẫn với ai đó. Phải chăng, anh đã lún quá sâu, sống quá lâu trong lâu đài âm nhạc hợp xướng sang trọng, nên khi bước ra cuộc sống ca khúc bình thường anh phải tập tành như mọi người, sống lại bình thường. Cái chưa mới, sự xáo rỗng trong lời nhạc, cái dễ nhầm lẫn giữa anh và người đi trước là một mặt yếu của anh. Bởi trong nghệ thuật, nhất là trong âm nhạc, cái riêng, cái thần của mỗi người có ảnh hưởng rất lớn đến người thưởng thức. Vì vậy, dù đã có những tác phẩm tốt, Ân cũng rất cần tiếp tục tìm tòi cách thể hiện mình chỉnh hơn nữa.
T.N.V (Lao động Đồng Nai Chủ Nhật) |