Nhạc sĩ Vũ Đình Ân với niềm đam mê hợp xướng (02/01/2009
) |
Trong đời sống âm nhạc của thành phố Hồ Chí Minh, ca khúc đang chiếm thế thượng phong - vì rất nhiều lý do - song sẽ là phiến diện khi đề cập đến âm nhạc mà chỉ biết có ca khúc. Bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu nhạc sĩ Vũ Đình Ân - hội viên Hội Âm nhạc Tp.HCM, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam - người đã dành rất nhiều thời gian cho thể loại hợp xướng. |
|
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân | Điều đáng nói là với thể loại thanh nhạc nhiều bè này, khi nói đến ai cũng nghĩ tác giả của nó phải là người được đào tạo chính qui tại các nhạc viện, nhưng Vũ Đình Ân không phải như thế, anh chỉ là người đam mê âm nhạc và chỉ được học những khóa học sáng tác không chính qui.
Chú nhạc công “nhí” của thành phố biển Nha Trang
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân sinh năm 1956, quê quán Nam Định, nhưng anh sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Nha Trang, nơi có bờ biển tuyệt đẹp và những con sóng vỗ miên man.
Khi còn là một cậu bé chưa học hết cấp 1, anh thường lặng người ngẩn ngơ khi nghe những bản nhạc guitar classic, anh rất mê guitar và vì nhà nghèo không có điều kiện để mua một cây guitar thùng, anh đã đến xưởng gỗ xin những tấm ván "phế thải" và về nhà tự làm một cây đàn guitar để chơi cho thỏa lòng yêu nhạc. Đó là kỷ niệm mà cho tới hôm nay, anh vẫn không quên.
Năm 1968, anh được chọn vào ban nhạc thiếu niên tỉnh Khánh Hòa sau một cuộc tuyển chọn gắt gao, là nhạc công guitar đệm cho các bạn hát và cũng thời gian này, trên các sân khấu ca nhạc của Khánh Hòa, người ta thấy xuất hiện một cậu bé 12 tuổi đánh guitar điện chung với những nhạc công lớn tuổi - đó là Vũ Đình Ân.
Sài Gòn, mảnh đất gieo mầm
Năm anh học tú tài 2 (1973), gia đình chuyển vào sinh sống tại Sài Gòn. Không có điều kiện để học trường Y và trở thành bác sĩ như ước mơ của mẹ, anh tạm ghi danh vào trường Luật, chưa xong khóa học thì ngày 30/4 đến. Hòa vào khí thế sôi nổi của những ngày đầu mới giải phóng, anh tích cực tham gia đội văn nghệ xung kích tại địa phương (quận Tân Bình) và là một trong những “chiến sĩ” hoạt động trong phong trào văn nghệ quần chúng Tân Bình sớm nhất và lâu nhất tính đến hôm nay. Cũng chính từ thành tích đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng cho quận 3, quận Tân Bình và một số quận huyện khác ở Tp.HCM mà anh đã được Bộ Văn hóa-Thông tin tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa (năm 1998).
Năm 1980, anh được thu nhận vào Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp Tân Bình, phụ trách công tác văn-thể-mỹ, chính thời gian này anh bắt đầy mày mò sáng tác, ban đầu là những ca khúc viết về ngành mà mình đang công tác.
Đến năm 1986, anh đã viết khoảng 20 ca khúc đa số là viết về ngành tiểu thủ công nghiệp. Và từ 1986-1990, anh được dự khóa học dài hạn về hòa âm, sáng tác và chỉ huy do Trường Công giáo Tân Bình tổ chức. Có thể nói đây là thời gian mà anh đã tích lũy nhiều kiến thức âm nhạc và một số kỹ thuật soạn hòa âm, sáng tác, chỉ huy…, những kỹ năng cơ bản để đi vào con đường sáng tác hợp xướng.
Vùng đất vắng dấu chân người
Anh bắt đầu con đường hợp xướng với những bài phối âm cho hợp xướng nhà thờ, và cũng bắt đầu cảm nhận cái hay của thể loại thanh nhạc này, nhất là khi muốn diễn tả khối đông quần chúng, sự hào hùng, hoặc muốn tạo một không khí hoành tráng..., hợp xướng là thể loại rất phù hợp. Nhưng ở thành phố Hồ Chí Minh lại rất ít nhạc sĩ viết hợp xướng, anh cảm thấy nó như một vùng đất hoang vu chưa có người khai thác. Khi quyết định đặt nhiều tâm huyết cho hợp xướng, anh cảm thấy mình như kẻ độc hành trên con đường vắng bóng người.
|
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân đang chỉ huy biểu diễn "Hợp xướng truyện Kiều" | Do thiếu những bài mới trong các liên hoan hợp xướng Tp.HCM, anh đã phối âm những ca khúc cho hợp xướng như Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Tình đất đỏ miền Đông (Trần Long Ẩn)... và đặc biệt bài Người mẹ (Nguyễn Ngọc Thiện) đã được Liên hoan hợp xướng lần I Tp.HCM tặng giải phối âm. Đó là niềm phấn khởi và nguồn động viên để anh tiếp tục những tác phẩm hợp xướng.
Năm 1994, anh tham gia trại sáng tác do Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ở đây anh được biết nhiều nhạc sĩ, nhiều giáo sư và họ đã giúp anh rất nhiều trong lĩnh vực sáng tác hợp xướng. Năm 1998, trong dịp kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, anh đã sáng tác hợp xướng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, tác phẩm này đã được trao giải khuyến khích của Hội Âm nhạc Tp.HCM và giải 3 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau đó, anh tiếp tục phối âm nhiều hợp xướng từ những ca khúc của nhiều nhạc sĩ, đồng thời sáng tác nhiều tác phẩm hợp xướng khác.
Đặc biệt năm 2001, anh đã hoàn thành Hợp xướng Truyện Kiều dựa trên tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du. Để hoàn thành tác phẩm này, anh đã phải nghiền ngẫm Truyện Kiều và đọc tất cả những bài báo, luận văn, sách vở nói về nó cùng với sự giúp đỡ của Gs. Thế Bảo và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Tạm chưa bàn đến chất lượng nghệ thuật, song trong tình hình mà rất nhiều nhạc sĩ không thể hoàn thành phần đệm thu gọn cho piano kèm theo ca khúc của mình, thì việc hoàn thành một tác phẩm hợp xướng trong thời gian 22 tháng cùng với phần đệm cho dàn nhạc giao hưởng, với hơn 300 trang tổng phổ là một việc làm thật đáng trân trọng.
Gần đây nhất, chuẩn bị cho 300 năm ngày giải phóng thành phố, anh đã sáng tác hợp xướng Thành phố của tôi, tác phẩm này được Hội đồng nghệ thuật của Hội Âm nhạc Tp.HCM đánh giá cao và được trao giải A. Năm 1999, anh đã thực hiện album hợp xướng Đất nước hôm nay (do Trung tâm băng nhạc Trẻ Tp.HCM phát hành), gồm 8 bài hát của nhiều tác giả do anh phối cho hợp xướng và 2 sáng tác hợp xướng của anh. Có thể nói đây là album hợp xướng duy nhất trên thị trường băng đĩa nhạc phía Nam. Dự kiến kỷ niệm 30 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng anh sẽ thực hiện album hợp xướng thứ hai của mình.
Hiện nay, có một sáng tác của nhạc sĩ Vũ Đình Ân được nhiều người biết đến qua biểu diễn của nhóm hát AC&M, đó là hợp xướng Thằng Bờm (lời đồng dao). Phải nhìn nhận rằng thể loại hợp xướng không có được sự phổ biến rộng rãi trong đời sống âm nhạc hiện nay như các ca khúc đại chúng, vì vậy để nhiều người biết đến tác phẩm hợp xướng cũng khó khăn. Song việc xây dựng thể loại này để có một sự hài hòa trong đời sống âm nhạc xã hội là điều cần thiết và những việc làm như của nhạc sĩ Vũ Đình Ân rất nên khuyến khích.
•Hữu Trịnh
Những sáng tác hợp xướng của nhạc sĩ Vũ Đình Ân
1. Sài Gòn hôm nay 2. Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh 3. Kiên Giang một niềm tự hào 4. Bông hồng gửi mẹ (thơ: Đình Bảng) 5. Tự hào thành phố của tôi 6. Hợp xướng truyện Kiều (thơ: Nguyễn Du) 7. Thằng Bờm (lời: đồng dao) 8. Thành phố của tôi
Những tác phẩm do nhạc sĩ Vũ Đình Ân phối cho hợp xướng
1. Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng) 2. Đất nước (Phạm Minh Tuấn - Tạ Hữu Yên) 3. Tình đất đỏ miền Đông (Trần Long Ẩn) 4. Đất nước hôm nay (Phan Thao) 5. Người mẹ (Nguyễn Ngọc Thiện) 6. Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp) 7. Bài ca đất phương Nam (Lư Nhất Vũ) 8. Đường chúng ta đi (Huy Du - Xuân Sách) 9. Biết ơn Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn) 10. Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường) 11. Hội nghi Diên Hồng (Lưu Hữu Phước - Mai Văn Bộ - Huỳnh Văn Tiểng) 12. Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận) 13. Bạch Đằng giang (Lưu Hữu Phước - Mai Văn Bộ) 14. Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận) 15. Thành phố ba trăm năm (Phạm Đăng Khương) 16. Đảng cho ta cả một mùa xuân (Phạm Tuyên) 17. Giải phóng Điện Biên (Đỗ Nhuận) 18. Hò kéo pháo (Hoàng Vân) |
|
Quay
lại Đầu
trang In
trang |
|