Đêm 8/9, tại nhà hát Bến Thành, nhân kỷ niệm 188 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du (mồng 10/8 âm lịch, tức ngày 9/9 dương lịch), hợp xướng Truyện Kiều trở lại, với một sắc thái mới và bất ngờ.
Dân tộc từ ca từ đến nhạc cụ
Cụm tre mộc mạc, mái đình chân phương nằm ở hậu cảnh sân khấu, góp phần tô điểm cho một không gian thưởng ngoạn đậm màu sắc Việt. Dàn nhạc cụ Tây phương - xuất hiện trong hai lần trước của năm 2000, 2001 - được cất đi (không còn bộ đàn dây violon, viola …, chỉ còn mỗi một cây đàn piano đặt ở góc trái), nhường chỗ cho đàn tranh, bầu, nhị, tỳ bà của nhóm Mặt Trời Mới và dàn trống dân tộc chiếm âm hưởng chủ đạo để làm “giá đỡ âm thanh” cho hợp xướng trỗi lên.
|
Dàn nhạc cụ dân tộc do nhóm Mặt Trời Mới biểu diễn, đệm cho Hợp xướng Truyện Kiều. Ảnh: Minh Chánh |
Nội dung hợp xướng được kết cấu thành ba chương. Mối tình đầu giới thiệu gia thế, tài sắc và cuộc hội ngộ kỳ duyên của nàng Kiều. Hồng Nhan bạc phận trình bày chuỗi 15 năm đoạn trường: Kiều bán mình chuộc cha, rơi vào chốn lầu xanh, bị Hoạn Thư đày đoạ, gặp sư Giác Duyên, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, rồi nương mình nơi cửa Phật… Chương cuối Tình chị duyên em là cuộc đoàn tụ của Thúy Kiều với gia đình.
Khán thính giả bị lôi cuốn vào tác phẩm hợp xướng dài 65 phút. Đó là một thành công ngoài dự đoán, vì trước đó có những ý kiến e ngại thể loại hợp xướng rất kén công chúng. Gần 100 người thuộc hai ban hợp xướng Suối Việt và Thạch Đà (do nhạc sĩ Vũ Đình Ân chỉ huy, cùng với Nguyễn Bách) tạo nên dòng giai điệu cuồn cuộn chảy, lúc mượt mà êm ả, lúc căng thẳng đầy kịch tính.
|
Thúy Kiều nương nhờ cửa Phật sau những truân chuyên. Ảnh: Minh Chánh |
Hợp xướng Truyện Kiều được nhạc sĩ Vũ Đình Ân soạn ra trên 175 trang nhạc, trong thời gian 22 tháng, từ tháng 7/1997 đến tháng 5/1999 với phần ca từ là 418 câu thơ được trích từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Hợp xướng được dựng thành bốn bè hát và một phần piano. Ngày 8/9, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận đây là hợp xướng (dựa theo Truyện Kiều) dài nhất Việt Nam. |
Ấn tượng còn được tạo nên từ những phút sâu lắng của lời ca tự sự, kết hợp với ngâm thơ do Nhất Sinh lĩnh xướng cùng với Hoài Phương (thành viên trong nhóm Mặt Trời Mới). Ngoài ra, không thể không nhắc đến vũ đoàn Phương Việt: ở một số trường đoạn, họ đã vượt lên trên sự minh họa đơn thuần, mà có được ngôn ngữ múa riêng để thể hiện câu chuyện nàng Kiều, hài hòa với không gian âm nhạc của hợp xướng.
300 triệu đồng, “muối bỏ biển”…
Toàn bộ doanh thu của Hợp xướng Truyện Kiều được dành để gây quỹ ủng hộ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam tại cơ sở Thiên Phước.
Có mặt trong hàng ghế khán giả, Giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần không nén được xúc động: “Đầu tư cho hợp xướng tốn công sức nhiều lắm, vậy mà chẳng có đơn vị nào đứng ra tài trợ. Tôi nghĩ, đây là một sự hi sinh đáng phục”.
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân bỏ ra 300 triệu tiền túi để đưa một tác phẩm hợp xướng lên sân khấu. Chỉ có một đêm diễn, lỗ là cầm chắc, nhưng ông vẫn lao vào. Tâm huyết của nhạc sĩ thật đáng biểu dương.
|
Trích đoạn “Thuý Kiều (phải) trao duyên cho Thuý Vân (trái)”. Ảnh: Minh Chánh |
Đêm hợp xướng đã thành công, về mặt nghệ thuật. Còn lại, vẫn là sự day dứt. “Tôi hơi buồn, không phải vì chuyện tiền nong, mà… biết đến bao giờ hợp xướng mới nhận được sự quan tâm của mọi người?”, nhạc sĩ Vũ Đình Ân ngậm ngùi.
Sau đêm diễn duy nhất, Hợp xướng Truyện Kiều có thể đóng bụi trở lại, chưa biết khi nào lại “tái xuất”, hay lại đằng đẵng 8 năm như lần trước. Theo nhận định của một số nhạc sĩ, TP HCM có thế mạnh về hợp xướng so với cả nước: ngoài một nhạc viện chính qui, còn có không ít trung tâm văn hóa quận, các ca đoàn giỏi về hợp xướng. Nếu biết trân trọng, và tạo “đất” phát triển cho những nguồn lực xã hội hóa, sẽ là không quá khó để nghĩ đến một tương lai đĩnh đạc cho hợp xướng.
Minh Chánh (Báo Đất Việt)