"Chúng tôi nghe người ta nói như thế đúng không anh?", nhạc sĩ Vũ Đình Ân cười, đáp: "Anh em văn nghệ họ yêu mến mình nên họ nói đùa chút chơi, chứ thiệt vậy hóa ra mình là người điên sao anh?". Rồi anh chợt cười to hơn, mái tóc dài nghệ sĩ xõa trên cái trán rộng và gương mặt đã qua tuổi "tri thiên mệnh" của anh, nói tiếp: "À mà naìy, người ta cũng có lý do để nói thế, là vì thật tình lòng mình lúc này cứ lo lắng bồn chồn quanh việc chuẩn bị ráo riết cho buổi hợp xướng truyện Kiều sắp tới, nên người khác nhìn vào thấy mình lúc nào cũng bần thần như ngơ như ngẩn.
Buổi diễn sẽ tổ chức nhân tưởng niệm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du mồng 10 tháng 8 âm lịch năm Mậu Tý này". Nếu dò ra ngày dương lịch sẽ nhằm vào 9.9.2008, nghĩa là còn đến hơn 4 tháng nữa, ngày rộng tháng dài mà lo gì quá vậy? Nhạc sĩ trả lời không lo sao được. Anh nói chương trình hợp xướng Truyện Kiều lần này có đến 100 người của hai nhóm Suối Việt và Hương Kinh hát trên nền nhạc dân tộc do ít nhất 40 nhạc công đàn tranh, đàn bầu, đàn tam thập lục và sáo trình bày (trước đây diễn trên phần đệm piano). Cũng sẽ thêm phần múa minh họa cần từ 50 đến 70 vũ công, dự kiến mời vũ đoàn Phương Việt đảm nhiệm. Rồi những chi tiết khác quanh chuyện sắm "áo dài khăn đóng", trang phục truyền thống cho nam nữ diễn viên và các nhạc công. Tất cả đều cần đến... tiền! Thế mà tới nay chưa chạy được tài trợ từ nơi nào hết, hỏi có lo không?
Nếu số tiền "kham" nổi anh đã sẵn sàng dốc túi ra như đã làm đối với việc thực hiện CD mang tên Đất nước hôm nay do anh soạn hợp xướng từ 10 ca khúc của nhiều nhạc sĩ như: Huy Du, Hoàng Hiệp, Lư Nhất Vũ, Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện... Đó là CD hợp xướng đầu tiên của TP.HCM và dĩ nhiên với loại hình nghệ thuật trên khó mà thu lại tiền bỏ ra từ việc bán CD trên, song anh vui vẻ xem đó là món quà văn nghệ dành cho những tâm hồn say hợp xướng như anh. Biết chuyện đó, nhiều anh em bên cánh nhà báo rất mến "cái say" của anh, nhất là bản hợp xướng Truyện Kiều độc đáo do anh soạn ra ròng rã trong gần hai năm (22 tháng) chép trên 175 trang nhạc với 3 chương: Mối tình đầu, Hồng nhan bạc phận, Tình chị duyên em, lấy cảm hứng sáng tạo từ 3.254 câu thơ lục bát trong Truyện Kiều.
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân:
- Sinh tại Nha Trang năm 1956. Đã giới thiệu: 1.000 tác phẩm
- Được công nhận Kỷ lục gia về người viết hợp xướng truyện Kiều dài nhất VN. |
* Anh Ân ơi, "trăm năm trong cõi người ta" đưa vào bản hợp xướng dài được bao lâu?
- Nếu tính theo thời lượng đã ghi qua các cuộc diễn thì đến 70 phút. Các nhà báo cho tôi biết đây là bản hợp xướng tiếng Việt dài nhất Việt Nam, trong đó tôi đã chọn 418 câu lục bát để soạn. Qua tác phẩm này tôi muốn mang đến cho người nghe những âm điệu của dân ca Việt Nam, cả những câu hò điệu lý, những câu hát xẩm xoan một thời, tất cả hòa quyện trong câu chuyện về một đời người truân chuyên của Kiều.
Tôi được sự cổ vũ tinh thần rất lớn của các nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Thế Bảo, Ca Lê Thuần, Quang Hải, Trần Long Ẩn. Lần diễn đầu tiên được tổ chức tại tiền sảnh Trung tâm văn hóa quận 1, TP.HCM với 4 bè hát gần 50 người và hai ca sĩ Khánh Duy, Phương Dung trong trang phục dân tộc; lần đó vì lý do kỹ thuật chỉ trình bày được 2 chương đầu và cuối của hợp xướng. Lần thứ hai diễn trọn cả 3 chương tại sân khấu Phú Nhuận TP.HCM với dàn hợp xướng 70 người và 4 bè hát, do các ca sĩ: Khánh Duy, Cam Thơ, Khắc Dũng và Phương Dung lĩnh xướng, hai nghệ sĩ Minh Mẫn và Nguyễn Thị Ánh đệm piano và đàn tỳ bà, có thêm dàn nhạc dây của Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TP.HCM tham gia. Chương trình lần thứ hai ấy được Hội Âm nhạc TP.HCM, Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận và Đài truyền hình TP.HCM phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 181 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du đêm 25.9.2001, đến nay đã 7 năm rồi, tôi muốn diễn lần thứ ba với quy mô lớn hơn vào tháng 9 tới.
* Anh đã dự kiến địa điểm công diễn sắp tới ở đâu chưa và với số lượng diễn viên, nhạc công cũng như yêu cầu hợp xướng lần này chắc phải cần một sân khấu lớn hơn các lần trước?
- Tất nhiên là vậy. Tôi dự kiến sẽ liên hệ để diễn ở Nhà thi đấu Quân khu 7. Để có không gian cho hơn 200 người gồm hát hợp xướng, nhạc công, vũ công thì cần phải thiết kế hai sân khấu chính song song với nhau. Một sân khấu có bục đứng dành cho diễn viên hát và có ghế ngồi cho nhạc công. Một sân khấu khác dành cho các diễn viên múa minh họa. Thời gian sẽ kéo dài hơn các lần trước, có thể đến 1 giờ 30 phút. Hội đồng cố vấn nghệ thuật gồm 4 giáo sư nhạc sĩ: Ca Lê Thuần, Quang Hải, Nguyễn Văn Nam, Thế Bảo. Tôi và nhạc sĩ Nguyễn Bách sẽ chỉ huy hợp xướng. Phần hòa âm phối khí mời nhạc sĩ Bùi Thiên Hoàng Quân và nhóm Mặt Trời Mới tham gia.
Giao Hưởng (Thanh niên oline)