Hơn 150 người gồm các thành viên của ban hợp xướng Thạch Đà, Suối Việt, dàn nhạc, các diễn viên múa… kết hợp lại để tái hiện câu chuyện đời của người con gái tài sắc Thúy Kiều. Đêm diễn tối 8-9 là lần thứ ba chương trình được tổ chức, song đây là lần đầu tiên các nhạc cụ phương Tây được thay thế bằng dàn nhạc dân tộc và chỉ giữ lại duy nhất cây piano điện.
Nói về việc này, GS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần cho biết: “Hợp xướng vốn là thể loại âm nhạc du nhập từ phương Tây nên việc sử dụng nhạc cụ Tây cũng là bình thường. Có điều đây là một tác phẩm Việt nên chúng tôi rất mong sẽ sử dụng dàn nhạc dân tộc cho phần đệm. Đó cũng là cách chúng tôi tôn vinh âm nhạc cổ truyền trong một tác phẩm lớn như Truyện Kiều”.
Dàn nhạc dân tộc đã được tôn vinh và cũng đã chứng tỏ được khả năng của mình. Không chỉ nhóm Mặt Trời Mới mà cả dàn gõ cũng góp phần đáng kể vào sự thành công của tác phẩm. Tất nhiên cũng không thể quên phần lĩnh xướng truyền cảm của NSƯT Nhất Sinh.
Trong bối cảnh nhạc nhẹ eo sèo, âm nhạc hàn lâm và nhạc cổ truyền vẫn cho thấy một sức sống mãnh liệt. Không một doanh nghiệp nào tài trợ, nhạc sĩ Vũ Đình Ân vẫn gồng mình đưa sô diễn đến với công chúng bởi ý nghĩa phát huy văn hóa dân tộc. Xa hơn, chương trình đã vận động được các nhà hảo tâm ra sức chăm lo cho trẻ em khuyết tật tại mái ấm Thiên Phước.
Tuy giành được kỷ lục VN cho chương trình hợp xướng dài nhất (75 phút), tác giả âm nhạc của hợp xướng Truyện Kiều - nhạc sĩ Vũ Đình Ân vẫn cho rằng với một tác phẩm quá lớn như Truyện Kiều, nếu không nhờ sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp, ông sẽ không thể nào làm nổi. Ông nói: “Thêm một thời gian nữa tôi tin chắc mình sẽ làm tốt hơn”. Ông sẽ làm tốt hơn nếu cải thiện thêm được chất lượng âm thanh - nỗi thống khổ của nhiều đơn vị tổ chức sô âm nhạc.
Câu chuyện đời Kiều không hề xa lạ vẫn khiến nhiều khán giả mắt ngân ngấn lệ. Nàng Kiều một lần nữa bước ra từ trang sách cổ để khán giả có được một bữa tiệc âm nhạc đa sắc và giúp những đứa trẻ bất hạnh xoa dịu phần nào những cơn đau...
PHẠM THÀNH NHÂN (Theo TTO)
Hơn 43 triệu đồng ủng hộ trẻ khuyết tật
Chị Sarah Parker - giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM - cho biết: “Chương trình hay quá, vừa xem vừa được người bạn phiên dịch thêm nên tôi hiểu được Truyện Kiều. Thật thú vị!”. Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến nhận xét: “Tác phẩm rất công phu và rất đáng xem. Giá như phần phát triển giai điệu và tiết tấu có thay đổi nhiều hơn để tạo kịch tính cho những đoạn cao trào thì tác phẩm sẽ hay hơn nữa”.
Đêm hợp xướng Truyện Kiều cũng đã quyên góp được 43.430.000 đồng để ủng hộ trẻ em khuyết tật của cơ sở Thiên Phước. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - giám đốc Trung tâm UNESCO Giao lưu văn hóa chi nhánh phía Nam - đơn vị đồng tổ chức chương trình cùng Hội Âm nhạc TP.HCM, chương trình dự kiến tái diễn vào dịp lễ 20-11 tới để phục vụ các đối tượng ngành giáo dục (giáo viên, học sinh...), sau đó sẽ tiếp tục được giới thiệu ở Hà Nội và vào các dịp lễ lớn.
HỒNG SƠN | |