Tác phẩm Lục Vân Tiên (của Nguyễn Đình Chiểu) đã đi vào âm
nhạc, vừa là thể nghiệm, vừa là một sự bứt phá mới cho hợp xướng – một
thể loại “kén khách” của âm nhạc nước nhà.
Từ thơ đến hợp xướng
Năm 2004, lần đầu tiên người yêu nhạc - đặc biệt là với thể loại hợp
xướng được thưởng thức một tác phẩm kỷ lục của Việt Nam dài 65 phút:
tác phẩm Truyện Kiều do nhạc sĩ Vũ Đình Ân sáng tác. Chương trình đã
thu hút khá nhiều sự quan tâm của giới nghệ thuật cũng như báo chí bởi
lẽ từ trước tới nay, chưa một nhạc sĩ nào của Việt Nam dám mạo hiểm với
hợp xướng như vậy. Tuy nhiên, với Vũ Đình Ân, đó chính là kết quả của
sự đam mê dành cho âm nhạc, cho thể loại hợp xướng vốn dĩ rất ít người
ghé qua. Bởi lẽ, trên thế giới, những bản hợp xướng như “Thằng gù nhà
thờ Đức Bà” hay “Romeo và Juliet” đã trở trở nên bất hủ, việc nghe một
tác phẩm mới mà không …mới, không có dấu ấn riêng sẽ là một thất bại
lớn của người nhạc sĩ. Ở Việt Nam, nghe hợp xướng là một điều còn xa lạ
với công chúng. Không những thế, chúng ta gần như chưa có một tác phẩm
nào có tính Việt hóa về thể loại này chứ chưa nói đến tác phẩm kinh
điển. Vượt lên những trở trăn ấy, nhạc sĩ Vũ Đình Ân đã dồn hết tâm sức
của mình cho sáng tác hợp xướng với phong cách thuần Việt. Truyện thơ
“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành hợp xướng là bởi
lẽ đó.
Chưa thỏa, nhiều người còn nghi hoặc khả năng của ông nên ngay sau khi
hoàn tất Truyện Kiều, được công diễn, ông bắt tay viết tiếp Lục Vân
Tiên, cũng trên tiêu chí Việt hóa hợp xướng. Tâm niệm của Vũ Đình Ân là
làm sao để hợp xướng Việt trở thành một món ăn hàng ngày của người
thưởng thức nghệ thuật, đưa hợp xướng đến được gần hơn với công chúng
và điều quan trọng, ông muốn mọi người hiểu được rằng hợp xướng không
phải là một thứ nhạc hàn lâm khó nghe. Chính vì thế, trong hợp xướng
Lục Vân Tiên, nhạc sĩ đã sử dụng toàn bộ các nhạc cụ rất gần gũi với âm
nhạc Việt Nam như sáo, đàn tranh, đàn bầu, đàn cò,… và bộ gõ. Điều này
làm cho khán giả khi thưởng thức sẽ cảm thấy rất gần gũi, dễ nghe mà
không đòi hỏi một trình độ âm nhạc nhất định nào cả.
Theo tác giả, toàn bộ lời trong bản hợp xướng được trích từ tác phẩm
“Lục Vân Tiên” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Khác với Truyện Kiều viết
theo âm hưởng nhạc Bắc Bộ, hợp xướng Lục Vân Tiên được khai thác từ
những câu hò, điệu lý của vùng Nam Bộ, nhất là dân ca Bến Tre và được
nhạc sĩ nhân cách hóa các tiết điệu. Ngoài phần hợp xướng, nhạc sĩ Vũ
Đình Ân còn viết thêm phần nhạc phụ họa để người lĩnh xướng Lục Vân
Tiên có thể ngâm thơ hoặc đọc thơ. Đặc biệt, những đoạn thơ châm biếm
trong tác phẩm đã được tác giả biến hóa thành dạng đọc vè rất Việt Nam,
tạo nên những âm hưởng quen quen, lạ lạ không gây nhàm chán trong toàn
bộ phần hát xướng.
NS Vũ Đình Ân
Lục Vân Tiên: Sản phẩm của niềm đam mê
Người viết bài này đã hết sức ngỡ ngàng khi được thấy tận mắt bản hợp
xướng gần 400 trang và cả bản thảo viết tay được nhạc sĩ Vũ Đình Ân cẩn
thận giữ gìn như một báu vật. Không là báu vật sao được khi đó chính là
sản phẩm của một niềm đam mê lớn lao dành cho hợp xướng, một sự đam mê
đến cùng tận với nghề. Hơn thế nữa, Vũ Đình Ân còn viết nhạc là bởi chữ
tâm luôn thường trực trong ông. Dù làm gì, viết gì ông cũng luôn hướng
mình đến chân – thiện – mỹ.
Hợp xướng Lục Vân Tiên còn là thành quả của sự động viên, khích lệ của
nhiều bạn bè, người thân và người yêu nhạc mến mộ ông, trong đó có Giáo
sư – Nhạc sĩ Ca Lê Thuần, người đã hướng dẫn và truyền lửa đam mê cho
ông; đó là Nhạc sĩ – Nhạc trưởng Nguyễn Bách, người đã sát cánh cùng
ông từ hợp xướng Truyện Kiều; đó là những nghệ sĩ, ca sĩ, học trò đã
gắn bó với nhạc của ông bao năm qua… Chương trình sẽ được công diễn vào
ngày 8 tháng 9 năm 2009 tại Nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh và tâm
nguyện của người nhạc sĩ này là toàn bộ số tiền thu được sẽ dành để làm
từ thiện cho những trẻ em bị mù, đó cũng là một cách để tưởng nhớ đến
nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và hưởng ứng ngày thế giới xóa mù
chữ.
Theo nhạc sĩ Vũ Đình Ân, Lục Vân Tiên sẽ là một chương trình hát hợp
xướng lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của gần 150 ca viên, 35
nhạc công cho đàn dây, bộ gõ và các nhạc cụ dân tộc do nhóm Mặt Trời
Mới đảm trách. Lĩnh xướng vai Lục Vân Tiên là ca sĩ Đức Tuấn, vai Kiều
Nguyệt Nga do Hoài Phương (Nhóm Mặt Trời Mới) và nhóm múa phụ họa do vũ
đoàn Phương Việt thực hiện, khoảng 50 người. Bản hợp xướng dài 376
trang, chia làm 4 chương, được xác định là sẽ kéo dài 100 phút biểu
diễn trên sân khấu và được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình
Bình Dương.
Cho đến thời điểm này, toàn bộ bản hợp xướng đã được các ca viên tập và
ráp xong. Trước thái độ làm việc nghiêm túc và say sưa của các thành
viên tham gia chương trình, tác giả rất tin tưởng ở chất lượng của đêm
công diễn. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất mà nhạc sĩ Vũ Đình Ân cũng như
những anh chị em êkip chương trình đang gặp chính là kinh phí thực hiện
đêm nhạc. Mục đích lớn lao của nhạc sĩ Vũ Đình Ân không đơn thuần là
giới thiệu một tác phẩm hợp xướng tâm đắc mà hơn thế, ông làm là vì
muốn góp phần cho một xã hội có ánh sáng cho những người khiếm thị, bởi
lẽ, trong ông âm nhạc không chỉ là đam mê, mà còn là cách để ông trải
lòng mình, để thực hiện một chữ tâm suốt đời ông hướng tới.
Nhạc
sĩ – nhạc trưởng Nguyễn Bách, người sẽ cùng nhạc sĩ Vũ Đình Ân điều
khiển chương trình cho biết: “So với Truyện Kiều, hợp xướng Lục Vân
Tiên đã có nhiều thay đổi tiến bộ. Cấu trúc âm nhạc trong sáng tác lần
này chặt chẽ hơn, đó là một dạng cấu trúc cratodio – là một bản thanh
xướng kịch chất lượng”.
Chị Phương – Vũ Đoàn
Phương Việt: “Chúng tôi đánh giá đây là một chương trình nghệ thuật lớn
và đã tập trung cho phần vũ đạo từ sớm. Do đặc thù của hợp xướng Lục
Vân Tiên được viết trên những làn điệu hò, lý rất Việt Nam nên tất cả
những điệu múa được sử dụng đều là múa dân gian. Việc kết hợp múa trong
hợp xướng tạo nên một hiệu ứng mới lạ, hấp dẫn hơn cho người thưởng
thức”.
Quỳnh Anh – ca sĩ lĩnh xướng một vai nhỏ trong vở Lục Vân Tiên: “Đây là
một bản hợp xướng có màu dân ca rất rõ nét. Phải nói là nhạc sĩ Vũ Đình
Ân đã rất công phu, kỹ càng cả trong việc sáng tác cũng như chuẩn bị
lực lượng cho đêm diễn. Với cách hát hợp xướng như trong Lục Vân Tiên,
chắc chắn sẽ phá vỡ suy nghĩ của mọi người về hợp xướng rằng đó là một
thể loại khó nghe!”
Bích Ngân – ca viên hợp xướng Lục Vân Tiên: “Không chỉ là một sự sáng
tạo trong hợp xướng mà thông qua tác phẩm âm nhạc này, nhiều bạn trẻ sẽ
hiểu rõ hơn về tác phẩm văn học của Nguyễn Đình Chiểu. Bản thân mình đã
học và hiểu được tác phẩm văn học Lục Vân Tiên nhiều hơn thông qua việc
hát hợp xướng này của nhạc sĩ Vũ Đình Ân”. |
Đông Nhân (SN 21 ngày 5/8/09)
|