* Anh có thể nói nguyên do, hoặc từ cảm hứng nào mà anh viết hợp xướng Lục Vân Tiên, thông điệp tác phẩm muốn đưa đến khán giả là gì?
- Tôi viết hợp xương Lục Vân Tiên là do sự... thách đố, vì có người cho rằng sau hợp xướng Truyện “Kiếu”, tôi đã... hết pin. Thật ra, có đôi lần, tôi đã tự nhủ sẽ bỏ nghề không bao giờ viết hợp xướng nữa. Nhưng có một người đã động viên và có ảnh hưởng lớn đến hợp xướng Lục Vân Tiên, đó là GS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Ông đã tận tình vun đắp cho tôi những ước mơ cháy bỏng và chính ông là người gợi ý và hướng dẫn tôi thực hiện hợp xướng này. Ngoài nghệ thuật hợp xướng tôi mong muốn sẽ giới thiệu đến khán thính giả cả nước những bài học đạo lý sâu sắc trong tác phẩm Lục Vân Tiên của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu. Lục Vân Tiên là một tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng, đã được dựng thành phim, kịch, cải lương… tôi nghĩ, khán giả cũng sẽ có những thú vị khi thưởng thức nó với hình thức hợp xướng.
* So với hợp xướng Tuyện Kiều, nó có những khác biệt gì đáng nói, nhất là về mặt âm nhạc?
- Hợp xướng Lục Vân Tiên với bối cảnh và nhân vật trong tác phẩm thuộc vùng đất Nam bộ, đó là khác biệt lớn đối với hợp xướng Truyện Kiều, vì vậy chất liệu âm nhạc cũng được khai thác từ những câu hò, điệu lý Nam bộ (nhiều nhất là dân ca Bến Tre) và chúng được được nhân cách hóa… Cái đặc biệt trong hợp xướng này là phần ngâm thơ, đọc thơ của người lĩnh xướng và cả những đoạn hợp xướng đọc vè Nam bộ.
* Đối với anh, kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất trong 4 năm làm việc để hoàn thành hợp xướng này?
- Khi đặt bút viết hợp xướng Lục Vân Tiên, có người cho rằng tôi đang làm một chuyện không tưởng. Và thật sự cũng có lúc cả tuần không viết được một nốt nhạc nào… tôi đi xe buýt ra bến tàu cánh ngầm mua vé đi Vũng Tàu, đến Vũng Tàu tôi leo lên núi ngồi... thiền từ sáng đến chiều rồi lại về TP.HCM, mang theo cả những ý nhạc đầy cảm hứng của đất trời.
Khi viết đến nốt nhạc cuối cùng để hoàn thành, tôi như người cởi được sợi dây vô hình đã buộc mình trong suốt 4 năm liền mà trong 4 năm ấy chính bản thân tôi phải đánh đổi nhiều thứ cả về vật chất lẫn tinh thần…
Cần có những tác phẩm âm nhạc hàn lâm của VN
* Khi nào thì tác phẩm được công diễn và công tác chuẩn bị ra sao?
- Dự kiến sẽ giới thiệu chính thức vào ngày 8/9/2009 (ngày Thế giới xóa mù chữ), tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM. Sở dĩ chọn ngày này vì cụ Nguyễn Đình Chiểu - tác giả văn học của hợp xướng này - cũng là người khai chữ.
Chương trình đã được khởi động ngay sau Tết Kỷ Sửu: hợp xướng hơn 100 người, 35 nhạc công giao hưởng (chủ yếu dàn dây) bộ gõ và các nhạc cụ dân tộc do nhóm Mặt Trời Mới đảm trách. Nói là hợp xướng, nhưng nó sẽ được tăng cường phần nghe và phần diễn để làm cho sân khấu thêm hấp dẫn trong thời buổi nghe - nhìn như hiện nay. Người lĩnh xướng không chỉ đứng hát mà còn có hành động kịch và hóa trang với trang phục xưa. Lĩnh xướng vai Lục Vân Tiên là ca sĩ Đức Tuấn, vai Nguyệt Nga là ca sĩ Hoài Phương. Ngoài ra còn có vũ đoàn Phương Việt (với 50 vũ công) với nhiều màn múa phụ họa. Cảnh trí sân khấu chủ yếu là dùng các clip tái hiện lại cảnh quan như bối cảnh không gian trong tác phẩm.
Sau đêm diễn tại Nhà hát Hòa Bình, dự kiến sẽ về biểu diễn phục vụ tại Bến Tre, nơi có mộ phần của cụ Nguyễn Đình Chiểu.
* Anh nghĩ gì về nhạc hàn lâm nói chung và hợp xướng nói riêng tại TP.HCM?
- Dù là loại hình kén chọn người nghe, nhưng hợp xướng là một trong những thể loại của nghệ thuật hàn lâm mà quá trình xây dựng nền âm nhạc chúng ta phải có những tác phẩm về nó. Đời sống âm nhạc cũng cần sự phong phú, đa sắc và cân bằng ở các thể loại. Trong tương lai khi văn hóa Thành phố phát triển giao lưu quốc tế thì một tác phẩm mang dấu ấn của Việt Nam là không thể thiếu. Âm nhạc hàn lâm TP.HCM thời gian gần đây có những chuyển biến. Chương trình Giai điệu mùa Thu hàng năm do Sở VH,TT&DL và Nhà hát GH Nhạc Vũ kịch tổ chức, rồi mới đây là việc đầu tư gần 50 tỷ đồng mua sắm nhạc cụ cho Nhà hát. Điều đó cho thấy sự quan tâm đến tương lai của nhạc hàn lâm TP.HCM. Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng cần có những tác phẩm âm nhạc hàn lâm của Việt Nam, trong đó có hợp xướng.
Bình Minh (thực hiện)