Tác phẩm hợp xướng theo nghĩa mà chúng ta hiểu như ngày nay đó là một tác phẩm thanh nhạc gồm nhiều bè cho nhiều giọng của con người. Và đó cũng là lối hát mà âm nhạc cổ truyền Việt Nam không có.
Âm nhạc dân gian chúng ta cũng có lối hát hai bè như hát lồng tông của dân tộc Thái, hò đối đáp Nam bộ… Nhưng nhìn chung, chủ yếu đó là những lối hát mang tính bè tòng, phức điệu chứ không phải là những bè tạo nên cột dọc hòa thanh như châu Âu.
Ở Việt Nam, lối hát hợp xướng đã theo chân các nhà truyền giáo phương Tây vào Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ 19 và chủ yếu tồn tại trong các nhà thờ, tu viện.
Cho đến trước năm 1954, chúng ta cũng chưa có những tác phẩm hợp xướng và lực lượng biểu diễn hợp xướng hoàn chỉnh. Mặc dầu vào năm 1948, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sáng tác ba bản hợp xướng như Đông Nam Á châu, Ngọn cờ dân chủ và Trường chinh ca. Đứng về mặt thể loại, đó là những hợp xướng đích thực, vì nó là loại thanh nhạc được chia nhiều bè hỗn thanh. Nhưng về qui mô thì còn sơ sài và nó chỉ như những cánh én đơn lẻ chưa tạo được một trào lưu sáng tác biểu diễn cổ súy cho một thể loại âm nhạc.
Mãi gần 10 năm sau, khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp được thành lập như Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam… và nhất là các chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật Liên Xô, Trung Quốc tại Việt Nam. Việc sáng tác, biểu diễn và thưởng thức thể loại hợp xướng mới bắt đầu phát triển.
Năm 1955, đã thấy xuất hiện các tác phẩm hợp xướng như: Hò đẵn gỗ (Đỗ Nhuận), Sóng cửa Tùng (Doãn Nho), Ánh đèn cầu Việt Trì (Hoàng Hà), Chiến sĩ biên phòng (Huy Thục)… và nhiều ca khúc cách mạng được chuyển soạn cho hợp xướng.
Những năm sau đó, lực lượng biểu diễn, sáng tác, chỉ huy được hình thành qua sự đào tạo của trường Âm nhạc Việt Nam và một số nhạc viện nước ngoài. Hợp xướng đã góp một tiếng nói vào đời sống âm nhạc của nhân dân. Thập niên 60 là thập niên vàng son của việc biểu diễn âm nhạc kinh viện, cùng với hoạt động nhộn nhịp của Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc/Vũ kịch. Việc thành lập trường Âm nhạc Việt nam từ năm 1956 và nhiều lớp nhạc sĩ được học tập các nhạc viện nước ngoài từ 1954, cùng với sự đầu tư bao cấp của Nhà nước đối với các đoàn nghệ thuật vào thập niên 60. Có thể nói đó là điều kiện thuận lợi, chín muồi cho sự phát triển một bước của âm nhạc hàn lâm Việt Nam nói chung, trong đó có hợp xướng.
Từ đầu thập niên 60 cho đến những năm đầu của thập niên 70, đã nở rộ những tác phẩm hợp xướng như: Ca ngợi Tổ quốc (Hồ Bắc, 1960), Bản Mường gửi anh (Hoàng Bội, 1963), Việt Nam trên đường chiến thắng (Chu Minh 1964), Trên tuyến đầu Tổ quốc (Lưu Cầu, 1964), Hải Phòng rực sáng biển Đông (Tô Hải, 1965), Lớn lên trên biển cả (Đỗ Nhuận, 1966), Lớp người công nhân (Chu Minh, 1967), Tiếng hát đội nữ thủy lợi (Lưu cầu, 1968), Quê hương vang lên tiếng hát tự hào (Trọng Bằng 1969), Non xa xa nước xa xa (Hoàng Hà, 1969) .v.v.. và v.v…
Về bút pháp nghệ thuật, hợp xướng giai đoạn này là tác phẩm của những nhạc sĩ “có nghề”, có nhiều tác phẩm có cấu trúc lớn nhiều chương. Thủ pháp cũng đa dạng, có khi viết theo lối hòa thanh, có khi kết hợp cả hai yếu tố hòa thanh, phức điệu. Phong cách phức điệu phong phú với nhiều thủ pháp như: đối vị, đối vị mô phỏng (Anh vẫn hành quân của Huy Du), đối vị giữa hợp xướng và lĩnh xướng (Sóng cửa Tùng của Doãn Nho), hợp xướng đế cho lĩnh xướng (Dòng suối La La của Huy Thục), canon .v.v…
Ngoài ra các tác giả cũng đã đưa những âm điệu dân ca vào hợp xướng, đặc biệt là hò dân gian.
Trong thập niên 60 hợp xướng đã phát triển khá sâu rộng, nhạc sĩ đã hướng tới một loại hợp xướng biểu hiện sự phong phú và nét đẹp tinh tuyền của giọng hát, đó là hợp xướng không có nhạc đệm (a cappella). Hợp xướng Có những con sông của Phạm Đình Sáu viết năm 1968 có thể coi là tác phẩm hợp xướng đầu tiên về thể loại này.
Bước sang thập niên 70, trong tình hình chung của dòng nhạc kinh viện Việt Nam, nhất là sau ngày đất nước thống nhất (1975), thể loại hợp xướng đòi hỏi phải tập trung số lượng diễn viên đông đảo, phải có khả năng ca hát nhất định và phải mất nhiều thời gian công sức để dàn dựng một tác phẩm. Đề tài của hợp xướng đa số là ngợi ca, chính luận… hoàn toàn tương phản với phong trào ca khúc chính trị, những đơn vị nghệ thuật biên chế gọn nhẹ với ban nhạc điện tử, với trào lưu âm nhạc tiết tấu sôi động… Hợp xướng đã không còn là món ăn thích hợp, ưa thích cho đời sống âm nhạc quần chúng giai đoạn này. Nó chỉ còn tồn tại trong những lễ hội mang tính chất qui mô hoành tráng không thường xuyên.
Việc sáng tác và biểu diễn hợp xướng hầu như ngưng đọng một thời gian dài, cho đến những năm giữa thập niên 90. Trong nỗ lực cân bằng đời sống âm nhạc với sự phong phú của nhiều thể loại, hợp xướng được khôi phục lại một phần.
Thành phố Hồ Chí Minh với những chỉ huy hợp xướng nhiều tâm huyết như Nhà giáo ưu tú Bình Trang, Pgs.Ts. Minh Cầm và thạc sĩ trẻ Hoàng Điệp đã góp công đào tạo nhiều thế hệ chỉ huy hợp xướng, duy trì dàn hợp xướng Nhạc viện Tp.HCM, cùng với các liên hoan hợp xướng như Nụ cười hồng (Hội liên hiệp Thanh niên và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Tp.HCM tổ chức) đặc biệt là Liên hoan hợp xướng Tp.HCM được tổ chức đều đặn, một phần nào đã giới thiệu loại hình hợp xướng đến với đông đảo quần chúng. Bên cạnh đó sự hoạt động thường xuyên của các ca đoàn trong các nhà thờ công giáo cũng là một nhân tố đáng kể. Song để trở thể loại hợp xướng khởi sắc thì nó vẫn nằm ngoài tầm tay.
Góp phần cho phong trào hợp xướng Tp.HCM phải kể đến lực lượng sáng tác, phối âm của nhiều nhạc sĩ, trong đó điển hình là nhạc sĩ Vũ Đình Ân - người đã sáng tác, phối âm và dàn dựng rất nhiều bản hợp xướng.
Tuy thời gian “ngủ đông” này khá dài, nhưng hợp xướng vẫn được bổ sung những tác phẩm của nhiều nhạc sĩ, tuy rằng số lượng quá khiêm tốn so với ca khúc, chúng ta vẫn thấy có một số tác phẩm như: Việt Nam tiếng hát trái tim ta (Ca Lê Thuần, 1979), Ca ngợi thành phố Hồ Chí Minh (Võ Lộc - Tuấn Phong, 1981), Dấu chân phía trước (Phạm Minh Tuấn, 1981 - Phan Hồng Minh phối âm), Đất thép (Ngô Huỳnh, 1982), Tuổi lên 10 (Hoàng Vân, 1985), Đi chợ hoa (Nguyễn Văn Nam, 1995), Hợp xướng truyện Kiều, Thành phố của tôi, Thằng Bờm (Vũ Đình Ân)…
Tuy nhiên về bút pháp cũng không có gì mới so với những hợp xướng được sáng tác trong thập niên 60-70.
…Và cho đến nay, hợp xướng vẫn chỉ là một loại hình “độc đáo” chứ không mang tính chất phổ biến trong một thị trường âm nhạc mà nhạc đại chúng đang thống soái.
|