Lê Ưu Điềm tên thật là Lê Quang Trung, quê ở Thừa Thiên – Huế, hiện là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ca khúc đầu tay của anh ra đời năm 1978 mang tên Người về soi bóng. Năm 1995, anh được kết nạp vào Hội Âm nhạc TPHCM. Đến nay, nhạc sĩ Lê Ưu Điềm đã sáng tác gần 100 ca khúc với nhiều thể loại và đề tài khác nhau. Năm 1997, anh đã chọn lọc 50 ca khúc để xuất bản thành Tuyển tập ca khúc Lê Ưu Điềm. Trong những đợt hội diễn ngành y tế, các bài hát Đêm trắng, Tâm sự người trực phiên đêm vẫn thường được vang lên qua tiếng hát của các y - bác sĩ nhiều bệnh viện trong TP.
Nhạc sĩ Lê Phúc sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, hiện là cán bộ nghiệp vụ thuộc Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận - tphcm. Anh bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm 1980, đến nay đã có hơn 50 ca khúc. Anh viết rất nhiều đề tài, từ tình yêu quê hương đến các ngành nghề, trong đó ngành công an thường hát một bài nổi tiếng của anh: Tự hào người chiến sĩ công an. Anh có khoảng 8 ca khúc viết về đề tài xã hội như chống ma túy, HIV/AIDS được các đội thông tin tuyên truyền trong TP biểu diễn trong các đợt liên hoan cấp thành. Anh đã được kết nạp vào Hội Âm nhạc TPHCM năm 1994, nhưng phải 10 năm sau anh mới đứng vào đội ngũ Hội Nhạc sĩ VN sau khi tốt nghiệp đại học âm nhạc chuyên ngành sáng tác Nhạc viện TPHCM năm 2001.
Sinh ra tại TP Đà Nẵng, lớn lên ở Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Thư Sinh là con trai của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp trung cấp âm nhạc, Phạm Thư Sinh về làm giảng viên Khoa Âm nhạc Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang. Năm năm sau, anh về lại Nhạc viện TPHCM tiếp tục theo học đại học chính quy chuyên ngành sáng tác. Đến nay, Phạm Thư Sinh đã viết hơn 40 ca khúc và nhiều tác phẩm khí nhạc. Tác phẩm Vũ khúc giao hưởng 30 tháng 4 được giải thưởng Hội Âm nhạc TPHCM năm 1995, Bài ca M’Nông được giải thưởng Hội Nhạc sĩ VN năm 2006. Anh được kết nạp vào Hội Âm nhạc TPHCM năm 1995 và Hội Nhạc sĩ VN năm 2004.
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân bắt đầu con đường âm nhạc của mình từ phong trào văn nghệ quần chúng. Từ năm 1986 đến 1990, anh đã theo học trường nhạc Công giáo với thầy Hùng Lân và các linh mục Tiến Dũng, Kim Long. Ca khúc Tình mãi còn hồng là tác phẩm đầu tay anh viết năm 1994. Năm sau, nhạc sĩ Vũ Đình Ân được kết nạp vào Hội Âm nhạc TPHCM và đến năm 2004 được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đến nay, nhạc sĩ Vũ Đình Ân đã sáng tác hơn 100 ca khúc, 40 ca khúc thiếu nhi và 30 bản hợp xướng, trong đó nổi tiếng nhất là bản hợp xướng Truyện Kiều.
Bốn nhạc sĩ sẽ xuất hiện trong chương trình Hát cùng mùa xuân - Đồng hành cùng nhạc sĩ do Ban Ca nhạc Đài Truyền hình TPHCM tổ chức lúc 19 giờ 30 phút ngày 23-12 tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận (70 – 72 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận - TPHCM). Các tác phẩm tiêu biểu của bốn nhạc sĩ được trình bày qua tiếng hát của các ca sĩ Thu Giang, Đông Quân, nhóm X Men và TNT. Ngoài ra còn có hai ca sĩ khách mời: Thanh Thúy và Thanh Ngọc.
Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN HIÊN - Báo NLĐ |