Chương trình Thơ nhạc hợp xướng Truyện Kiều đã từng được tổ chức vào đêm 5/12/2015 tại Hà Tĩnh, do Bộ VHTTVDL phối hợp cùng UNESCO Việt Nam tổ chức. Kể từ khi hợp xướng Truyện Kiều được nhạc sỹ Vũ Đình Ân hoàn thành vào năm 2000 đã gây được một tiếng vang lớn trong giới học thuật.
Mang niềm khắc khoải và ấp ủ dự định độc đáo, Cha Tổng Đại Diện giáo phận Đà Lạt đã ngỏ ý và phối hợp tổ chức cùng nhạc sỹ Vũ Đình Ân mang Thơ nhạc hợp xướng Truyện Kiều lần đầu tiên đến cho những người yêu mến và mang mối nợ lòng với Truyện Kiều sinh sống tại Đà Lạt một đêm đáng nhớ.
Đêm trình diễn mang đến hương vị mới, khác biệt trong cách thưởng thức Truyện Kiều. Ngoài ngâm, lẩy những trích đoạn Kiều của NSƯT Hồng Vân, NS Trần Quang Đông, khán giả còn được thưởng thức những nét mới, độc đáo trong cuộc trò chuyện giữa Linh mục- nhạc sỹ Tiến Lộc và nhà thơ Vũ Đình Bảng về Xem tướng Kiều và Hiện tượng lục bát trong thi ca Việt Nam, Văn hóa Kiều giữa nguồn chung văn hóa Dân tộc của Thạc sỹ Phạm Hậu Thành (ĐH Đà Lạt). Đặc biệt nhất và được mong đợi nhất là màn hợp xướng 3 trích đoạn Kiều (Mối tình đầu, Hồng nhan bạc phận, Tình chị duyên em) do ca sỹ Đông nghi và Thanh Sử cùng ca đoàn Thiên Thanh đến từ TP. Hồ Chí Minh thể hiện với màn múa phụ họa ấn tượng và tinh tế của nhóm múa Hội dòng MTG Chợ Quán.
Đọng lại nhiều cảm xúc vui tươi cũng như lắng đọng, lôi cuốn. Chương trình Đêm thơ nhạc hợp xướng Truyện Kiều thật sự mang đến “một luồng sinh khí mới, một hương vị mới và một phong cách thưởng thức Truyện Kiều hoàn toàn mới” nơi những người mộ mến Đại thi hào nguyễn Du cùng tác phẩm để đời của ông như lời Cha Tổng Đại diện chia sẻ.
Cũng là người yêu mến và cổ võ chương trình, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương tham dự và có đôi lời tâm tình không chỉ dành cho những người mộ mến Kiều mà còn sâu sắc và thấm thía đến từng Kitô Hữu: “Nguyễn Du dùng thuyết tài mệnh tương đố nói về cuộc sống. Khi đọc Kiều, ngoài những nhân vật mang đến điều bất hạnh cho Kiều thì tác giả vẫn nêu cao những nhân vật cứu vớt Kiều như Từ Hải, Kim Trọng,…Đặc biệt, khi đọc Kiều, Nguyễn Du lấy tất cả quy về ông trời để:
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Tôi liên tưởng tới Đức Chúa Trời, người không muốn con người sống phong trần, nhưng muốn con người thanh cao hẳn hoi làm con cái Chúa. Nhưng những thế lực ác thần đưa con người đến phong trần. Nhưng cuối cùng con Đức Chúa Trời là Chúa Giêsu xuống thế là người để cứu vớt con người, yêu thương con người. Với niềm tin Kitô Giáo tôi mong rằng chúng ta xác tín hơn tình yêu và chung thủy Thiên Chúa dành cho con người, Thiên Chúa dành cho Hội Thánh. Mong rằng ta sẽ nên những người biết mang lại hạnh phúc cho người khác”.
“Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?”
Trong bài chia sẻ của mình, diễn giả Nhà thơ Lê Đình Bảng nhắc tới lời than khóc trong bài Độc Tiểu Thanh Kí của Nguyễn Du và nhận xét rằng: Khi xưa Nguyễn Du than khóc vì không biết qua 300 năm với những phai mờ cuốc sống, liệu còn ai nhớ đến và khóc thương cho ông. Thực sự thì, chúng ta, dù trải qua 250 năm nhưng Truyện Kiều đã ghi ấn trong lòng mỗi người, đi vào cuộc sống. Đêm nay, vì lòng yêu mến và “món nợ ân tình”, chúng ta không khóc nhưng mang một niềm vui của những thế hệ kế tục.
Thật chính xác, bởi Đêm Thơ nhạc hợp xướng thu hút hơn 1000 người, ngoài các khách mời như Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, cón có ông Nguyễn Trọng Ánh Đông, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL cùng nhiều lãnh đạo các sở, ban ngành. Bên cạnh đó còn có PGS-TS Nguyễn Đức Hòa Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, Các thầy Trưởng và Phó Khoa Ngữ văn Trường ĐH Đà Lạt; đông đảo giáo viên dạy văn, sinh viên, học sinh các trường học trên địa bàn Đà Lạt. Thành phần khán giả đông đảo nhất là quí linh mục, tu sĩ nam nữ các Hội dòng trong giáo phận Đà Lạt, giáo dân, các bạn trẻ đến từ nhiều giáo xứ… Có thể nói, những người yêu văn thơ nói chung và yêu mến Truyện Kiều của Nguyễn Du nói riêng đã có một đêm cảm nghiệm, thưởng thức những vần thơ trong Truyện Kiều với nhiều cách thể hiện đa dạng. Chúng tôi mượn lời cha Tổng Đại diện Phaolô Lê Đức Huân “Đêm thơ nhạc, hợp xướng Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được thực hiện tại Nhà thờ Chánh Tòa là cách thể hiện đường hướng mục vụ Thư chung của HĐGMVN 1980. Mong ước rằng qua đêm thơ nhạc, hợp xướng này quí khán giả, cách riêng những Ki tô hữu chúng ta sẽ cảm nghiệm được những tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt và Truyện Kiều sẽ trở nên một phần trong cuộc sống của người Việt Nam chúng ta…”
Bài: Lê Hà