Có lẽ trong giới ca đoàn của nhà đạo không ai lại không biết đến nhạc sĩ Vũ Đình Ân với tài điều khiển dàn dựng các bài hợp xướng cho các ca đoàn. Nhưng ở ngoài đời, trong giới hoạt động nghệ thuật, ai lại không biết đến Vũ Đình Ân với tác phẩm hợp xướng Truyện Kiều đã được xác lập kỷ lục Việt Nam về độ dài biểu diễn của một tác phẩm. Lần này với Lục Vân Tiên, Vũ Đình Ân cũng đã vượt kỷ lục mà anh đã xác lập trước đây. Chương trình biểu diễn hợp xướng lần này gần 200 người, gồm 140 ca viên của hai ban hợp xướng Suối Việt và Thạch Đà. Ca sĩ Đức Tuấn lĩnh xướng trong vai Lục Vân Tiên, ca sĩ Hoài Phương trong vai Kiều Nguyệt Nga, ca sĩ Trần Ngọc trong vai Hớn Minh và gần mười ca sĩ trong các vai khác… Có 30 diễn viên múa của vũ đoàn Phương Việt cùng ban nhạc đệm và bộ gõ dân tộc. Lần này ngoài nhạc sĩ Vũ Đình Ân còn có nhạc sĩ Nguyễn Bách cùng chỉ huy dàn hợp xướng, mỗi người hai chương. Đạo diễn Thanh Sâm dàn dựng chương trình.
Hợp xướng Lục Vân Tiên (dựa theo tác phẩm truyện thơ cùng tên của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu) được nhạc sĩ Vũ Đình Ân viết từ năm 2005 – 2008. Hợp xướng gồm bốn chương (Xem chuyện Tây Minh, Tình đời – tình người, Chữ tình chung thủy, Trai tài gái sắc) lần lượt kể về câu chuyện tình bất hủ và đầy trắc trở giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Nếu như trong hợp xướng Truyện Kiều, Vũ Đình Ân viết giai điệu dựa trên khúc thức dân ca miền Bắc thì ở Hợp xướng Lục Vân Tiên lại là những khúc thức dân ca Nam bộ.
Theo Vũ Đình Ân thì: “Một phần là do tự ái. Người ta nói tôi chỉ có thể sang tác được hợp xướng Truyện Kiều là… hết pin. Nhưng chủ yếu là được sự ủng hộ, khơi gợi của GS nhạc sĩ Ca Lê Thuần. GS bảo tôi đã sáng tác được hợp xướng Truyện Kiều theo phong cách miền Bắc thì sao không nghĩ tới Lục Vân Tiên của miền Nam… Khi viết một tác phẩm, tôi muốn nó phải sống chứ không nằm trên giấy. Dù chưa nhận được sự ủng hộ về mặt tài chính, tôi vẫn muốn trình làng tác phẩm. Tất nhiên, nếu nhận được sự hỗ trợ tốt, tôi còn có thể làm được nhiều hơn, đúng với ý đồ của mình hơn, hiệu ứng của bản hợp xướng sẽ cao hơn nhiều. Chẳng hạn có thể đầu tư hơn cho dàn dựng”
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn một trong những thành viên Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa – Du lịch – Thể thao TP.HCM thì cho rằng: “Hợp xướng Lục Vân Tiên là tác phẩm dài hơi về công sức lẫn thời gian, thể hiện sự sáng tạo công phu của nhạc sĩ Vũ Đình Ân. Công trình còn thể hiện sự đột phá táo bạo đáng hoan nghê trong việc “phá vỡ” cấu trúc thơ lục bát để bát để phục vụ cho cấu trúc âm nhạc. Đặc biệt, tác giả khai thác các làn điệu hò, vè, nói thơ Cửu Long rất phù hợp với đề tài. Nếu áp dụng thể loại này cho những tác phẩm kịch thơ và trường ca của thế kỷ 20, sẽ rộng đường và hứa hẹn nhiều tác phẩm hoành tráng hơn”.
Đêm diễn công bố tác phẩm hợp xướng Lục Vân Tiên đã khép lại, nhưng vấn đề kinh phí đầu tư cho các tác phẩm mới được trình làng đã và đang được đặt ra. Liệu nhà nước có không một khoản đầu tư cho các tác giả khi công bố một tác phẩm mới? Cứ như hiện nay thì những tác giả như Vũ Đình Ân lại cứ tiếp tục bỏ tiền túi ra nếu như anh muốn giới thiệu tác phẩm hợp xướng anh đang viết Chinh phụ ngâm đến với công chúng. Trong khi đó các nhà tài trợ lại chạy theo các chương trình tuổi teen đang hút khách.
Theo Vũ Duy Giang - Báo Công Giáo và Dân Tộc
|