Nhạc sĩ Vũ Đình Ân, người từng đoạt giải thưởng về thể loại hợp xướng của Hội Nhạc Sĩ TPHCM và của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam đã tâm huyết sáng tác bản hợp xướng Truyện Kiều gần hai năm trời. Khi tác phẩm ra đời, thật thú vị, ông đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao giấy chứng nhận hợp xướng Truyện Kiều là tác phẩm hợp xướng dài nhất Việt Nam.
Dựa vào những câu thơ Kiều, Vũ Đình Ân đã soạn thành ba chương cho bản hợp xướng; với chương một: Mối tình đầu - Kim Kiều gặp gỡ; chương hai: Hồng nhan bạc phận - cuộc đời thăng trầm của Thúy Kiều qua 15 năm lưu lạc; chương ba: Tình chị, duyên em. Lần đầu tiên, khán giả TPHCM được thưởng thức chương trình hợp xướng đầy màu sắc âm nhạc truyền thống với bộ gõ dân tộc có phần đệm dương cầm.
Nhạc được sáng tác trên những câu thơ Kiều qua bốn giọng thể hiện đủ sắc thái tình cảm một cách tinh tế, âm điệu phong phú... "Đầu lòng hai ả tố nga. Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân; Tóc tơ căn vặn tấc lòng. Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương; Gặp cơn bình địa ba đào. Vậy đem duyên chị buộc vào cho em". Góp mặt trong chương trình, ban hợp xướng Suối Việt, ban hợp xướng Suối Việt, ban hợp xướng Thạch Đà, nhóm Mặt Trời Mới, ca sĩ Nhất Sinh (lĩnh xướng giọng nam) ca sĩ Võ Hoài Phương (lĩnh xướng giọng nữ) và vũ đoàn Việt Phương phối hợp biểu diễn. Chỉ huy chương trình hợp xướng do nhạc sĩ Vũ Đình Ân và nhạc sĩ Nguyễn Bách phụ trách.
Công diễn hợp xướng Truyện Kiều là đêm nghệ thuật hòa điệu duyên dáng giữa Thơ và Nhạc. Với từng điểm nhấn dành cho hình tượng và tính cách các nhân vật Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến..., nhóm Việt Phương đã thể hiện phần múa minh họa tương đối ..."tròn vai".
Hợp xướng còn có ý nghĩa tình cảm khá ấm áp từ tinh thần tập thể, hòa đồng. Có thể gọi đó là "một kênh giao tiếp của xã hội, dẫn con người tìm đến con người" như lời giới thiệu mào đầu chương trình với tư cách cố vấn nghệ thuật của Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Ông nhận xét đó còn là cái tâm, cái tình của nghệ sĩ, chữ tâm, chữ tình của khách mộ điệu... Trong đêm thưởng thức nghệ thuật, mặc dù miễn phí vé nhưng khán giả mạnh thường quân thể hiện tấm lòng nhân ái bằng cách gây quỹ từ thiện giúp trẻ em khuyết tật bị nhiễm chất độc màu gia cam được nuôi dưỡng ở cơ sở Thiên Phước. Theo công bố vào cuối chương trình của linh mục Phan Khắc Từ (Giám đốc cơ sở Thiên Phước), số tiền gây quỹ được tiếp nhận là 43.430.000đ
(*) Hợp xướng Truyện Kiều do Hội âm nhạc TPHCM và Trung Tâm UNESCO Giao lưu văn hóa quốc tế - Chi nhánh phí Nam phối hợp tổ chức vừa qua, tại Nhà hát Bến Thành.
Thy Minh, Ảnh: An Dung (Hồn Việt)
|